Sáng nay chủ nhật rảnh rỗi ngồi đọc báo. Thấy người ta bên Pháp biểu tình phản đối tăng thuế nhiên liệu đến mức trở thành bạo động cấp quốc gia. Giải pháp cho vấn đề năng lượng cứ như con gà và quả trứng. Nhân đây chia sẻ với các bạn một khái niệm về năng lượng mà người Mỹ nói thường, đó là Carbon Footprint. Carbon footprint nói về lượng khí thải mà mỗi cá nhân thải ra môi trường trong một khoản thời gian. Lượng này đo dựa vào nhiều yếu tố như địa điểm không gian sống, phong cách sống, cách di chuyển, ăn uống, hoặc mua sắm…
Nếu bạn xây nhà to trong vùng khí hậu nóng và dùng nhiều nguyên liệu bằng kính. Bạn phải dùng nhiều máy lạnh để làm mát ngôi nhà. Bạn đã có mức carbon footfprint cao hơn những người ở nhà bằng nguyên liệu khác, hay ở nhà chung cư. Nhà bạn xa nơi làm việc hay gần, bạn có đi chung xe với người khác, bạn đi xe đạp hay xe máy, bạn ăn thịt hay ăn chay, bạn mua sắm nhiều hay mua đồ cũ, mùa đông bạn bật sưởi nhiều hay mặc thêm áo….
Người Mỹ nhiều người nhận ra mức độ quan trọng của vấn đề này, nên họ có nhiều chọn lựa phong cách sống để giúp vấn đề này có thể cải thiện. Có vài thí dụ mà bà Bo quan sát thấy được.
Carpool: xa lộ Mỹ nào cũng có một làn carpool, làn xe dành cho những xe có từ hai người trở lên. Làn xe này ưu tiên và thường đi nhanh hơn trong giờ cao điểm để khuyến khích người ta dùng chung xe, giảm bớt khí thải.
Rác thải: hầu như gia đình Mỹ nào cũng phải phân loại rác. Rác thông thường và rác tái chế. Những thành phố thân thiện với môi trường như San Francisco còn có thêm thùng đựng rác hữu cơ. Việc phân loại rác dễ dàng giúp việc xử lý rác hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.
Máy điều hoà: nhiều vùng ở mỹ có khí hậu bốn mùa. Mùa đông vô cùng lạnh và mùa hè vô cùng nóng. Người dân được khuyến khích đừng mở máy lạnh và máy sưởi hết công suất. Mùa đông có thể mặc thêm áo và mở máy sưởi nhỏ lại.
Tiết kiệm nước: khi đánh răng đừng mở nước chảy ào ào mà chỉ mở nước khi cần phải súc miêng. Khi rửa chén cũng tương tự.
Ăn thịt: có một xu hướng đang ngày càng phổ biến là hạn chế ăn thịt. Người ta nghiên cứu cho thấy việc chăn nuôi súc vật mà chủ yếu là bò gây hại cho môi trường. Các trang trại bò (phân bò) thai ra một lượng khí thải nhà kính không thua kém gì tổng lượng xe hơi trên thế giới. Vì vậy nếu số lượng người ăn thịt bò giảm sẽ giúp giảm bớt số lượng bò được nuôi….
Mua sắm: đi chợ được khuyến khích mang theo giỏ để đựng hàng thay vì dùng bao bì của chợ. Nên mua hàng thực phẩm địa phương để giảm chi phí vận chuyển. Tái sử dụng quần áo, đồ đạc cũ….
Carbon footprint cao gây ra hieu ứng nhà kính, thay đổi nhiệt độ như trái đất ấm dần sẽ làm thay đổi khí hậu gây lụt lội mưa bão. Điều này ảnh hưởng lớn nhất đến với lương thực, mùa màng. Khi dân số thế giới ngày càng tăng nhưng diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp dẫn đến lương thực sẽ ngày càng khan hiếm đắt đỏ, nạn đói sẽ chực chờ trong tương lai gần. Người ta nói nếu chúng ta cứ tiếp tục giữ mức khí thải như hiện tại, trong 40 năm nữa 1/4 loài trên trái đất sẽ bị tuyệt chủng. Nên nếu mỗi người trong chúng ta góp một phần nhỏ để làm giảm lượng carbon footprint, chắc đời cháu nội mình tụi nó còn có cơ hội được thấy cái cây thiệt ngoài đường chứ không cần phải vô viện bảo tàng. Và nó còn được ăn món này món kia như mình chứ không phải uống viên tổng hợp vị bún bò sống cho qua ngày.
Sưu tầm của chị Bo Nguyễn